10 thg 4, 2011

Hiếm có dân tộc nào thờ quốc tổ như VN

| 10 thg 4, 2011 |

Trong khuôn khổ các hoạt động tưởng nhớ vua Hùng, ngày 13-4 tại Phú Thọ sẽ diễn ra một hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại - Nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam.

Biểu diễn pha trà từ chiếc ấm cao 0,8m, đường kính 1m, nặng gần 40kg của làng gốm sứ Bát Tràng tại lễ hội chè đất Tổ ở Phú Thọ - Ảnh: Quốc Hội

Hội thảo sẽ thảo luận sâu về các vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và thờ Hùng Vương trong xã hội đương đại. Trước đó, cuối tháng 3-2011, hồ sơ đề nghị Unesco công nhận tín ngưỡng thờ Hùng Vương là di sản thế giới đã được gửi đi.

Trước thềm hội thảo, Tuổi Trẻ trao đổi với GS.TS Ngô Đức Thịnh - một trong những người tham gia viết và phản biện hồ sơ tín ngưỡng thờ Hùng Vương. Đánh giá về di sản này, ông nói:

- Tín ngưỡng thờ Hùng Vương khác với những di sản đã được công nhận trước đó. Tính độc đáo của tín ngưỡng này thể hiện rất rõ ở yếu tố thờ Hùng Vương chính là thờ quốc tổ. Đây là hiện tượng không phải dân tộc nào cũng có.

Trải qua thời kỳ lịch sử hết sức lâu dài, chúng ta đã xây dựng được một biểu tượng, cố kết cộng đồng dân tộc tạo nên sức mạnh hết sức to lớn trong quá trình lịch sử. Nền tảng của việc thờ quốc tổ chính là tục thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam có từ xa xưa, từ việc thờ cúng tổ tiên mà phát triển thành việc thờ quốc tổ của toàn dân tộc. Chúng tôi cố gắng nói rõ được ý nghĩa của biểu tượng Hùng Vương trong tiến trình phát triển hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Bởi vì hiện nay hiếm có dân tộc nào có kiểu thờ quốc tổ như ở Việt Nam.

GS.TS Ngô Đức Thịnh - Ảnh: Vương Anh
Đặc tính của xã hội Việt Nam chính là mô hình “nhà-làng-nước”, dù mất nước nhưng nhà và làng vẫn tồn tại. Hàng nghìn năm Bắc thuộc, chúng ta vẫn giữ được nhà và làng, cũng có nghĩa là giữ được văn hóa của dân tộc.

Người Việt Nam lấy khung ứng xử trong gia tộc để ứng xử với toàn xã hội, cư xử với nhau như anh em trong gia đình. Thế nên trong dân gian mới truyền tụng câu ca “tháng 8 giỗ cha, tháng 3 giỗ mẹ”. Hơn nữa, từ nhu cầu xây dựng biểu tượng Hùng Vương, dân tộc ta đã tạo nên sự cố kết, giúp chúng ta chiến thắng trong những giai đoạn có tính chất tồn vong.

Với hồ sơ đệ trình UNESCO, chúng tôi hi vọng 50/50.

* Tuy nhiên, hồ sơ đề cử tín ngưỡng thờ Hùng Vương là di sản thế giới cũng vấp phải những ý kiến trái chiều từ giới nghiên cứu văn hóa?

- Sự thật là khi tiến hành làm hồ sơ chúng tôi rất lo lắng. Nếu được công nhận thì rất tốt, nhưng nếu không được thì đó là điều rất đáng tiếc. Dù sao cũng là mang ông tổ vua Hùng đi chứ không phải một di sản nào khác. Bởi vậy, hồ sơ tín ngưỡng thờ Hùng Vương vấp phải khá nhiều ý kiến phản đối.

* Những ý kiến e ngại còn xuất phát từ chính những hạn chế của tín ngưỡng này, thưa ông?

- Đúng vậy, những diễn xướng dân gian ở đền Hùng không độc đáo như ý nghĩa của biểu tượng. Nếu dựa vào sử chép thì biểu tượng này mới chỉ xuất hiện ở thế kỷ 15, việc thờ cúng cũng mới chỉ có từ thời Nguyễn, lễ hội có từ đầu thế kỷ 20.

Bản thân tín ngưỡng này đã bị nhà nước hóa. Hơn nữa, trải qua quá trình lịch sử lâu dài có một số giá trị đã mất đi rồi. Chúng ta chỉ có thể nhấn mạnh đến giá trị phi vật thể, ý thức về cội nguồn khi viết hồ sơ. Do vậy, xét về mặt di sản, tính nhà nước rất mạnh nhưng tính dân gian lại yếu. Đó là một khó khăn cho hồ sơ này khi Unesco xét duyệt di sản thế giới. Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta có quyền hi vọng, bởi vì có được là di sản thế giới hay không còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố.

H.HƯƠNG thực hiện/Theo Tuổi Trẻ

Quảng cáo:
Mua tranh Đông Hồ


Đăng ký nhận tin mới từ Màu dân tộc. Hãy nhập email của bạn:

 
© Copyright 2009 - 2011. Màu dân tộc. | Đăng ký tham gia | Liên hệ