16 thg 4, 2011

Chùa Hòa Nhai - dấu ấn lịch sử và nghệ thuật

| 16 thg 4, 2011 |

Chùa Hòe Nhai (19 phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội) còn có tên là chùa Hồng Phúc, vốn được xây dựng từ đầu thế kỷ 11, nhưng đã bị chiến tranh tàn phá, mãi đến cuối thế kỷ 17, có bà bảo mẫu của vua Lê Hy Tông quê ở phường đứng ra xây dựng lại, rồi mời hòa thượng Thủy Nguyệt - vị tổ thứ nhất của phái Tào Động đến trụ trì.

Tòa Tiền đường chùa Hòe Nhai

Chùa Hòe Nhai tọa lạc trên một khu đất vuông vắn, ngoài cùng là tam quan xây cột trụ không mái. Trước sân chùa có hai tháp kỷ niệm các nhà sư đã viên tịch và chếch về góc trái trước chùa có tháp Ấn Quang xây năm 1963 tưởng niệm hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ở Sài Gòn nhằm tố cáo tội ác của Mỹ - Ngụy.

Chùa Hòe Nhai hiện còn giữ được khá nhiều hiện vật quý giá, có giá trị lịch sử và nghệ thuật. Một đài sen gốm thế kỷ 16 với các hình trang trí hoa cúc, vân xoắn ở những cánh sen, thuộc loại quý hiếm, góp phần đánh dấu một bước mới trong sự phục hưng Phật giáo. Tấm bia thuộc thế kỷ 17 - 18, một mặt khắc chữ Hán, một mặt chạm nổi nhiều hình người là một tấm bia đẹp và ít thấy trong mỹ thuật cổ ở nước ta. Đáng chú ý, bia ở bên phải trước sân chùa dựng năm 1703 ghi rõ: “Chùa được xây dựng tại phường Hòe Nhai ở Đông Bộ Đầu (bến Đông)”. Như vậy, nhờ có tấm bia và vị trí của chùa Hồng Phúc mà giới sử học ngày nay đã xác định được địa điểm của Đông Bộ Đầu - nơi diễn ra cuộc tập kích đánh đuổi quân Mông - Nguyên xâm lược ra khỏi Thăng Long năm 1258.

Tòa Tiền đường chùa Hòe Nhai có kết cấu 2 tầng 8 mái, chứa đựng ý nghĩa về dịch học. Phần trang trí chính của kiến trúc hầu như được đặt vào các y môn của phật điện và các gian thờ phụ. Vài y môn được điểm xuyết hình các vị phật tọa thiền trên tòa sen như ở nhà Tổ, hình thức đơn giản, như ẩn đi cùng hoa lá để tạo nên sự tĩnh lặng nghệ thuật ở cảnh chùa.

Trải qua lịch sử khá lâu dài, chùa Hòe Nhai đã có 48 vị sư tổ, trong đó có nhiều nhà sư được nhà Lê phong sắc. Hiện ở nhà tổ còn treo một đạo sắc do vua Lê Hiển Tông phong cho nhà sư Trần Văn Chức năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750) và một bức tranh cổ vẽ phong cảnh có hình voi và phượng, tương truyền do vua Lê Hy Tông ban tặng nhà chùa sau khi sám hối. Chùa cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện Phật giáo đáng ghi nhớ. Sau Cách mạng tháng Tám, tại nhà tổ của chùa đã diễn ra cuộc họp của các tăng ni, phật tử Thủ đô để cử một đoàn đại biểu đến yết kiến chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đây là nơi thành lập Hội Phật giáo cứu quốc.

Hồ Sĩ Tá/Theo Tạp chí Du lịch VN

Quảng cáo:
Mua tranh Đông Hồ


Đăng ký nhận tin mới từ Màu dân tộc. Hãy nhập email của bạn:

 
© Copyright 2009 - 2011. Màu dân tộc. | Đăng ký tham gia | Liên hệ